Bể lắng là một công trình có nhiệm vụ loại bỏ các tạp chất thô ra khỏi nước thải. Trên thực tế có các loại bể lắng khác nhau, mỗi loại sẽ có đặc điểm cấu tạo và hiệu quả xử lý khác nhau. Cùng Cơ khí Toàn Á tìm hiểu cụ thể từng loại bể lắng thông dụng nhất trong công nghệ xử lý nước thải công nghiệp nhé!
Tác dụng của bể lắng trong xử lý nước thải là gì?
Bể lắng có tác dụng tách các chất lơ lửng tồn tại trong nước thải ra khỏi nước. Nước thải sẽ được lưu trong bể trong một thời gian nhất định. Sau đó, dưới tác dụng của trọng lực, các chất lơ lửng có trọng lượng nặng hơn sẽ lắng xuống dưới đáy bể, còn phần nước sạch nhẹ hơn nằm phía trên bể sẽ được dẫn ra ngoài qua các công trình xử lý khác.
Bể lắng được sử dụng cho các mục đích bao gồm:
- Lắng cát
- Loại bỏ các cặn hữu cơ trong quá trình lắng đợt 1
- Loại bỏ các cặn sinh học trong quá trình lắng đợt 2
- Loại bỏ các bông cặn hoá học diễn ra trong quá trình keo tụ tạo bông
- Thực hiện nén bùn trọng lực nhằm giảm đi độ ẩm của bùn trong công đoạn xử lý bùn.

Phân loại các loại bể lắng xử lý nước thải
Tùy từng yếu tố phân loại khác nhau mà có các loại bể lắng khác nhau. Cụ thể:
Theo công dụng:
- Bể lắng đợt 1: Bể lắng này được đặt trước công trình sinh học
- Bể lắng đợt 2: Bể lắng này được đặt sau công trình sinh học
Theo chế độ làm việc của bể:
- Bể lắng gián đoạn: Với loại bể lắng này, quá trình lắng sẽ được thực hiện theo mẻ. Sau một thời gian lưu nước nhất định thì nước đã lắng sẽ được tháo ra ngoài sau đó một lượng nước thải mới sẽ được cho vào;
- Bể lắng hoạt động liên tục: Với bể lắng này quá trình lắng sẽ được thực hiện liên tục. Tức là nước thải đầu vào và đầu ra sẽ được đưa vào ra liên tục.
Theo chế độ dòng chảy nước thải:
- Bể lắng ngang: Nước thải trong bể này sẽ chảy theo phương nằm ngang từ đầu bể đi đến cuối bể và cặn được lắng rồi tách khỏi dòng.
- Bể lắng đứng: Nước thải trong bể này sẽ chảy theo chiều từ dưới lên trên theo phương thẳng đứng.
- Bể lắng radian: Nước thải trong bể này chảy từ khu vực trung tâm ra ngoài thành bể (bể ly tâm) và theo hướng ngược lại từ thành bể vào trung tâm bể (bể hướng tâm).
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Các loại bể lắng được ứng dụng phổ biến nhất hiện nay
Bể lắng ngang
Cấu tạo
- Bể lắng ngang được thiết kế theo hình chữ nhật với tỷ lệ chiều rộng không nhỏ hơn ¼ so với chiều dài và chiều sâu đến khoảng 4m.
- Bể ngang gồm các bộ phận như: mương dẫn nước vào, mương phân phối, mương dẫn nước ra, máng thu nước, máng thu và xả chất nổi.
Nguyên tắc hoạt động
- Nước thải sẽ đi theo theo máng phân phối ngang vào trong bể sau đó chảy qua đập tràn thành mỏng hoặc tường đục lỗ được thiết kế ở khu vực đầu bể lắng. Tiếp theo nước thải sẽ di chuyển từ khu vực đầu này đi đến đầu bên kia của bể.
- Sau khi qua vùng lắng của bể, nước thải sẽ di chuyển qua bộ phận máng thu nước rồi chảy qua công trình tiếp theo.
- Trong quá trình lắng cặn, các hạt cặn sẽ mất trọng lực và rơi xuống đáy bể và sẽ được thu gom lại ở hố thu cặn. Sau đó cặn sẽ được xả ra bên ngoài theo đường ống xả cặn.
- Còn các loại cặn nổi sẽ được giữ lại nhờ bộ phận máng thu chất nổi.

Bể lắng đứng
Cấu tạo
- Bể lắng đứng được thiết kế có dạng hình tròn hoặc hình vuông với phần đáy dạng nón hay chóp cụt.
- Bể lắng đứng bao gồm các bộ phận: Máng nước dẫn, máng thu nước, máng tháo nước, ống trung tâm, ống xả cặn và ống xả cặn nổi.
Nguyên tắc hoạt động
- Nước thải sẽ được dẫn vào bể qua bộ phận ống trung tâm.
- Sau khi đi ra khỏi ống trung tâm thì nước thải sẽ bị va vào thành bể và chuyển động theo chiều đi từ dưới lên trên.
- Trong quá trình đó các hạt cặn sẽ rơi xuống dưới đáy bể vào khu vực hố thu cặn.
- Nước sau khi hoàn tất quá trình lắng cặn sẽ tràn qua máng thu đặt xung quanh thành bể theo ống dẫn và đi qua công trình tiếp theo.

Bể lắng radian (bể ly tâm)
Cấu tạo
- Bể ly tâm được thiết kế có mặt bằng hình tròn với đường kính từ 16-40m và chiều cao khoảng 1/6 -1/10 đường kính của bể lắng.
- Bể lắng ly tâm bao gồm các bộ phận: dàn quay, ống dẫn nước vào bể, ống dẫn nước bùn, ống tháo nước và ống tháo cặn nổi.
Nguyên lý hoạt động
- Nước thải sẽ được dẫn vào bên trong bể theo chiều từ tâm bể ra phía ngoài thành bể. Nước thải sau khi lắng hoàn tất sẽ được thu vào máng tập trung và dẫn ra bên ngoài bể.
- Phần cặn được lắng xuống dưới đáy bể và được tập trung tại khu vực thu cặn để đưa ra ngoài nhờ vào hệ thống gạt cặn quay tròn.

Bể lắng Lamen
Cấu tạo
- Loại bể lắng này sử dụng tấm lắng vách nghiêng có thiết kế nghiêng từ 45 – 60 độ.
- Cấu tạo của bể lắng Lamen bao gồm 3 vùng riêng biệt: Vùng phân phối nước, vùng lắng và vùng chứa cặn.
Nguyên tắc hoạt động
Lượng nước thải đi vào trong bể sẽ di chuyển từ dưới lên đi qua tấm lamen. Phần cặn lắng khi va chạm với nhau và bông cặn đủ lớn sẽ rơi xuống vùng lắng trong bể. Do các tấm vách được đặt nghiêng nên bùn cặn sẽ được tự động chảy về hố thu cặn.

Lời kết
Các loại bể lắng mà chúng tôi giới thiệu ở trên là những loại bể được ứng dụng nhiều nhất trong xử lý nước thải ngày nay. Nếu có nhu cầu hỗ trợ bất kỳ vấn đề gì về xử lý nước thải, hãy liên hệ ngay với Cơ khí Toàn Á qua hotline 0914 402 547 để được tư vấn hoàn toàn miễn phí!